Thứ 7 ngày 23 tháng 09 năm 2023Lượt xem: 12773
Viêm não tự miễn.
Viêm não là bệnh lý tổn thương cấp tính của não bộ do nhiều nguyên nhân khác nhau từ nhiễm trùng đến không nhiễm trùng.
1. Viêm não tự miễn là gì?
Viêm não tự miễn là nguyên nhân ít gặp gây viêm não, xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn và tự tấn công các tế bào khoẻ mạnh ở não bộ. Đây là bệnh lý khó chẩn đoán và tỷ lệ di chứng rất cao.
2. Nguyên nhân và cơ chế gây bệnh viêm não tự miễn.
Bệnh xuất hiện sau một rối loạn đáp ứng miễn dịch của cơ thể với tình trạng nhiễm trùng vi khuẩn, virus trước đó; hoặc rối loạn đáp ứng miễn dịch khi có những khối u (u buồng trứng, u tinh hoàn). Khi đó, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ nhầm lẫn kháng nguyên bình thường trên tế bào não, tủy sống là tác nhân có hại, và sản xuất ra tự kháng thể để chống lại những tế bào đó như anti-NDMA, anti-LGI1, anti-CASPR2...
Cơ chế gây bệnh của bệnh viêm não tự miễn có thể liên quan đến kháng thể gắn với protein trên bề mặt hoặc bên trong tế bào thần kinh. Một số protein có liên quan trong quá trình truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh. Trong một số trường hợp, bệnh viêm não tự miễn xảy ra có liên quan đến bệnh ung thư (hội chứng cận ung thư – paraneoplastic syndrome). Những nghiên cứu đã giải thích về lý do tại sao một số kháng thể nhất định lại tấn công vào tế bào khỏe mạnh trong cơ thể vẫn đang được tiến hành. Các khảo sát này cũng cho thấy rối loạn tự miễn này thường xảy ra ngẫu nhiên, ở những người không có tiền sử gia đình mắc phải bệnh viêm não tự miễn.
Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi, không phân biệt tiền sử tổn thương não trước đó, nhưng thường gặp ở phụ nữ trẻ nhiều hơn.
3. Biểu hiện bệnh viêm não tự miễn?
Các triệu chứng rất đa dạng, bao gồm các dấu hiệu về thần kinh và tâm thần, thường diễn biến tương đối nhanh qua vài tuần hoặc vài tháng.
Triệu chứng thần kinh: đau đầu, suy giảm ý thức, mất nhận thức, giảm khả năng học tập và làm việc, rối loạn chức năng ngôn ngữ, cử động cơ thể bất thường hoặc nhiều cơn co giật đa dạng, giảm/mất thị lực, giảm trí nhớ, yếu hoặc liệt vận động tay chân, tăng phản xạ gân xương, rối loạn tiểu tiện, ...
Triệu chứng tâm thần: rối loạn giấc ngủ và các rối loạn tâm thần như lo lắng, thay đổi khí sắc, loạn thần với hoang tưởng, ảo giác hoặc hội chứng căng trương lực.
Biến chứng nặng: hôn mê, co giật nhiều gây phù não, suy hô hấp, nguy cơ chết não, tiêu cơ vân do co giật gây suy thận cấp, liệt kéo dài teo cơ, cứng khớp về sau.
4. Chẩn đoán bệnh.
Chẩn đoán dựa vào khám bệnh và xét nghiệm dịch não tủy qua thủ thuật chọc dịch não tủy. Chọc dịch não tủy qua khe đốt sống thắt lưng là phương pháp lấy bệnh phẩm xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh và xét nghiệm những tự kháng thể gây bệnh.
Xét nghiệm máu, chụp cắt lớp, cộng hưởng từ sọ não hỗ trợ chẩn đoán biến chứng, theo dõi điều trị. Siêu âm, CT bụng có thể phát hiện khối u là nguyên nhân gây rối loạn miễn dịch.
Xét nghiệm đo chức năng thần kinh cơ (ghi điện cơ) giúp chẩn đoán phân biệt bệnh lý liên quan cơ bắp và dẫn truyền của dây thần kinh.
Xét nghiệm đo hoạt động điện sinh học của não (ghi điện não).
5. Điều trị bệnh.
Nội khoa: phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh có thể sử dụng nhiều biện pháp phối hợp như corticoid liều cao, thuốc ức chế miễn dịch, lọc máu thay huyết tương, sử dụng thuốc globulin miễn dịch (IVIG). Điều trị hỗ trợ: chống phù não, thuốc cắt cơn co giật (có thể cần nhiều loại phối hợp), dự phòng nhiễm trùng, đảm bảo dinh dưỡng, chống loét, teo cơ cứng khớp do nằm lâu.
Can thiệp xâm lấn (nếu có): thở máy qua nội khí quản nếu bệnh nhân suy hô hấp, tắc nghẽn đường thở do ứ đọng, phẫu thuật cắt u nếu phát hiện khối u.
Liệu pháp phục hồi chức năng: gồm thể chất, xã hội và ngôn ngữ giúp Người bệnh hoà nhập cuộc sống.
6. Tiên lượng bệnh.
Tỷ lệ tử vong không cao nhưng bệnh khó chẩn đoán và điều trị nên thường phát hiện bệnh muộn, tỷ lệ di chứng về thần kinh, tâm thần cao, phụ thuộc chăm sóc y tế lâu dài về sau.
Như vậy, đối với bệnh nhân trẻ tuổi có dấu hiệu viêm não nên kết hợp việc tìm nguyên nhân và cân nhắc điều trị sớm nhất có thể: Immunoglobulin truyền tĩnh mạch (IVIG) 0,4g/kg và Methyprednisone 30mg/kg.
Mời xem thêm >>>
1. Viêm não do kháng thể NDMA (N-methyl-D-aspartate receptor).
2. Viêm não do kháng thể LGI1 (leucine-rich glioma inactivated 1).
3. Viêm não do kháng thể CASPR2 (contactin associated protein 2).
4. Viêm não Bickerstaff (biến thể của hội chứng Gullain-Barré).
Tin xem nhiều nhất
-
Ngày 09/02/2018
ĐIỆN CƠ là gì ...
-
Ngày 13/02/2018
Điều trị Co thắt mi mắt (Blepharospasm)?
-
Ngày 01/03/2018
Điều trị co cứng cơ sau Đột quỵ não.
-
Ngày 05/04/2020
Liệt dây thần kinh số VII.
-
Ngày 26/05/2018
Điều trị Co thắt nửa mặt (Hemifacial spasm)?
-
Ngày 05/10/2021
Chẩn đoán định khu tổn thương tủy sống.