Thứ 5 ngày 25 tháng 06 năm 2020Lượt xem: 12390
Những bộ não Y khoa.
Có hai nhóm trong giới bác sĩ, người có phát minh và người thực hành. Đại đa số chúng tôi không thuộc về nhóm đầu.
Tuy số bác sĩ có phát minh không nhiều nhưng họ lại là động lực chủ yếu để phát triển khoa học Y. Không có họ, nền y tế sẽ giậm chân tại chỗ. Rất nhiều dụng cụ, máy móc y khoa được chính các bác sĩ nghĩ ra chứ không phải kỹ sư. Chỉ có y bác sĩ, hàng ngày va chạm với đủ loại ca bệnh nên dễ nảy ra sáng kiến, phát minh. Vậy nhưng tại Việt Nam, những phát minh thực sự được thế giới công nhận - như kỹ thuật cắt gan của Giáo sư Tôn Thất Tùng - vô cùng hiếm hoi.
Đa số bác sĩ chúng tôi hiện nay được học trực tiếp từ các thầy hoặc qua sách vở rồi thực hành trên người bệnh. Làm thật nhiều, biết nhiều các thể phức tạp, gặp nhiều biến chứng, đúc kết kinh nghiệm dần dần sẽ trở thành bác sĩ giỏi, những bàn tay vàng của y học nước nhà.
Ở rất nhiều mặt bệnh, bác sĩ Việt Nam phẫu thuật can thiệp có kết quả tốt hơn so với các nước trong khu vực, thậm chí có thể cả thế giới. Chúng ta đang sở hữu đội ngũ bác sĩ khá lành nghề, nắm vững hầu hết các kỹ thuật phức tạp trong y học. Vậy nhưng tại sao chúng ta chưa được coi là một nền y tế mạnh, bệnh nhân của ta vẫn đi nước ngoài chữa bệnh?
Những lý do như chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng tốt, phương tiện máy móc chưa đủ hiện đại theo tôi dễ dàng thay đổi. Song một lý do sâu xa ít người nhắc đến chính là thiếu sản phẩm y khoa "made in Vietnam". Các phương pháp mổ, viên thuốc, dụng cụ hay một cái máy y khoa "đặc sản Việt Nam" dù rất nhỏ nhưng sẽ đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia có khả năng thu hút khách quốc tế đến khám chữa bệnh.
Tại sao chưa có những "nhà phát kiến" y khoa khi người Việt nổi tiếng thông minh học giỏi, nhiều ý tưởng? Rất nhiều Việt kiều đã và đang tham gia các dự án lớn, các phát kiến, thử nghiệm y khoa khắp nơi trên thế giới. Nhưng nếu họ trở về, triển khai chúng ở trong nước đều chỉ là "pha hai" hay "pha ba" - những pha ứng dụng trên thực tế lâm sàng. Bác sĩ Việt Nam nếu tham gia giỏi nhất cũng chỉ có tên trong bài báo khoa học, còn quyền lợi lớn từ bản quyền, thương hiệu quốc gia đều nằm ngoài biên giới. Lý do rất đơn giản: chúng ta đang hài lòng với vị trí là nước ứng dụng giỏi.
Việt Nam không có sự đầu tư về vật chất cũng như con người một cách bài bản để hướng đến những phát kiến y khoa đột phá.
Cách đây gần chục năm, khi nghiên cứu thiết kế một dụng cụ bít lỗ thông liên thất bằng Nitinol (hợp kim của Niken và Titanium), tôi cầm bản vẽ đi gặp các kỹ sư Việt, nhưng đều chỉ nhận được cái lắc đầu. Tình cờ trong một hội nghị quốc tế, gặp đại diện một công ty tại Thượng Hải, Trung Quốc, tôi đồng ý hợp tác. Đúng ba tháng sau, sản phẩm mẫu đã trên tay tôi. Dù đã khá ưng ý, nhưng để sử dụng được sản phẩm cho chữa bệnh còn là chặng đường rất dài và thật đáng buồn, cũng không thể thực hiện ở Việt Nam. Chúng ta không có phòng thí nghiệm trên động vật và cũng chưa có quy trình được pháp luật cho phép hướng dẫn để tiến hành "thực nghiệm động vật". Vậy là tôi lại khăn gói quả mướp sang Trung Quốc làm thực nghiệm trên động vật. Đây là phòng thí nghiệm "animal lab" hoàn chỉnh do người Đức đầu tư với tiêu chuẩn được châu Âu chấp thuận. Chỉ làm ở những lab như vậy, khi sản phẩm ra đời, việc xin giấy phép sử dụng tại Châu Âu (CE) mới có cơ may. Nhiều đêm rét như cắt thịt, tôi lủi thủi đi ăn ngoài hàng cơm bụi, đặc biệt đồ ăn nhiều dầu mỡ rất khó nuốt, rồi lại vào hì hục làm thực nghiệm với lợn rồi chó. Những ngày ấy thành kỷ niệm không thể nào quên trong đời tôi. Chỉ vì khát vọng muốn có một dụng cụ y khoa "của mình" đã giúp tôi vượt qua những nhọc nhằn như thế. Nhưng ở đời, mấy ai lường hết mọi ngóc ngách. Dự án dày công lại thất bại một cách ít ngờ nhất. Thiếu kinh nghiệm làm việc với nước ngoài nên tôi không ký bất cứ giấy tờ gì về bản quyền. Hậu quả, tôi bị gạt ra rìa khi mọi việc gần như hoàn tất. Công ty làm việc cùng tôi đã tuyên bố phá sản và ngay sau đó thành lập một công ty khác sản xuất dụng cụ đúng như tôi thiết kế mà chẳng phải trả một xu phí bản quyền. Thất bại đau đớn này khiến mấy năm sau tôi không còn mơ đến phát kiến, chỉ loay hoay cải tiến phương pháp để thuận lợi hơn khi chữa bệnh - con đường mà rất nhiều bác sĩ của chúng ta đang chọn.
Câu hỏi đặt ra là nguồn lực từ nhà nước ngày càng hạn chế cho đầu tư khoa học cơ bản, đầu tư cho khoa học cơ bản y khoa lại càng khó khăn hơn. Đường đến thành công rất nhọc nhằn, thậm chí nhiều dự án có thể ngốn cả đống tiền nhưng không thể có sản phẩm đầu ra. Chính vì vậy, ta cần cách đi khác, đứng trên vai người khổng lồ để lớn, dựa vào thế mạnh của mình để tạo ra những đặc sản y khoa "made in Vietnam". Theo tôi, chìa khóa chính là công nghệ.
Ta đều biết, so với mặt bằng khoa học thế giới, toán học nói chung và công nghệ thông tin của Việt Nam có vị trí tương đối cao, gần như bắt kịp trình độ thế giới. Chính vì vậy, chọn hướng đi này để tạo ra đột phá trong y tế là điều có thể.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa hợp tác với Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn Vingroup để ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y học. Dự án này nghiên cứu và phát triển giải pháp hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán hình ảnh. Với khả năng nhận biết các điểm bất thường chính xác trên 90%, phần mềm ứng dụng AI này sẽ hỗ trợ đắc lực y bác sĩ trong sàng lọc ung thư và phát hiện các bệnh nan y. Trí tuệ nhân tạo có vai trò tham vấn hội chẩn khách quan, bảo đảm không bỏ sót những chi tiết nhỏ, giúp các bác sĩ có đầy đủ dữ liệu để đưa ra quyết định tốt nhất.
Đặc biệt, với khả năng tự tối ưu hóa theo thời gian, thuật toán AI sẽ được "đào tạo" không ngừng từ chính các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh giàu kinh nghiệm, có thể tự động khoanh vùng nghi ngờ tổn thương và chỉ ra điểm bất thường với độ chính xác cao.
Và cũng mới đây, nền tảng khám chữa bệnh từ xa (telehealth) do một tập đoàn trong nước triển khai lần đầu tại bệnh viện chúng tôi trong những tháng "rực lửa" Covid đã gặt hái thành công ban đầu. Hơn 100 bệnh viện khắp cả nước đã tham gia vào ứng dụng chứng tỏ tính hiệu quả của chương trình hoàn toàn Việt Nam này. Ngoài ra, Campuchia, Lào đã là hai nước đầu tiên tham gia trực tuyến và rồi Myanmar, Đài Loan đã bày tỏ mong muốn phối hợp với chúng tôi.
Những phát minh dù rất nhỏ nhưng thực sự là của chúng ta mang giá trị khích lệ lớn lao để các y bác sĩ, những trí tuệ Việt Nam, những huy chương vàng quốc tế Toán, Hóa, Sinh phát huy khả năng tiềm ẩn. Cơ hội ấy đang chờ đợi các nhà hoạch định chính sách.
Tin xem nhiều nhất
-
Ngày 09/02/2018
ĐIỆN CƠ là gì ...
-
Ngày 13/02/2018
Điều trị Co thắt mi mắt (Blepharospasm)?
-
Ngày 01/03/2018
Điều trị co cứng cơ sau Đột quỵ não.
-
Ngày 05/10/2021
Chẩn đoán định khu tổn thương tủy sống.
-
Ngày 05/04/2020
Liệt dây thần kinh số VII.
-
Ngày 26/05/2018
Điều trị Co thắt nửa mặt (Hemifacial spasm)?