Góc nhìn

Thứ 4 ngày 30 tháng 04 năm 2025Lượt xem: 3098

Yêu nước không chỉ là khoảnh khắc ... mà là hành trình.

Tôi bật cười khi lần đầu thấy cụm từ “concert quốc gia” trong một video tổng duyệt diễu binh kỷ niệm ngày 30/4. News feed của tôi những ngày này ngập tràn video tương tự, với lượng thả tim khổng lồ.

Tôi từng xem duyệt binh ở Đức, thấy hoành tráng, quy mô nhưng xa lạ. Sau này, sống nhiều năm ở Singapore, tôi cũng ấn tượng với lễ diễu hành, diễu binh dịp Quốc khánh hàng năm. Nhưng khi xem diễu binh kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, tôi nổi da gà vì cảm xúc thật sự kết nối.

Từ nghi lễ quân sự, theo thời gian, diễu binh trở thành hình thức "kể chuyện tập thể" - vừa biểu tượng vừa biểu cảm. Trong quy hoạch đô thị biểu tượng (symbolic urbanism), nghi lễ như vậy là "diễn ngôn hình ảnh", nơi nhà nước khẳng định tính chính danh và tầm nhìn. Mỗi đội hình, mỗi khối xe là một "pixel" trong bức tranh tổng thể mà đô thị là phông nền.

Sự kiện chỉ kéo dài vài giờ, nhưng là một dạng "kích hoạt chuỗi không gian", biến đường phố thành sân khấu khổng lồ và sống động. Người dân không chỉ đi qua, mà đắm chìm trong không gian đó, cảm nhận, kết nối với nhau và tái kết nối với chính thành phố của mình.

Tâm điểm của lễ diễu binh là đường Lê Duẩn - đại lộ trung tâm nối Thảo Cầm Viên với Dinh Độc Lập. Đây là một trong những trục đường đẹp và giàu dấu ấn lịch sử bậc nhất, quy hoạch chuẩn chỉnh từ thời Pháp với tên gọi Norodom, và đổi tên nhiều lần theo thời gian.

Từng nghiên cứu quy hoạch các trục trung tâm của đô thị thuộc địa Pháp hoặc chịu ảnh hưởng quy hoạch đô thị kiểu Pháp, tôi liên tưởng đường Lê Duẩn với đại lộ Champs-Élysées danh tiếng - trục biểu tượng của Paris, và đại lộ Pennsylvania, đoạn từ Điện Capitol (Nhà Quốc hội) tới Nhà Trắng - trục biểu tượng của Washington DC. Một bên bình dị và xanh mát kiểu nhiệt đới Á Đông; một bên hoành tráng và hào nhoáng kiểu phương Tây. Cả ba đều dài khoảng 1,9 km, đều là "đại lộ quốc gia" - nơi kể chuyện lịch sử, quyền lực và bản sắc đô thị theo cách riêng.

Chọn đại lộ Lê Duẩn làm nơi tổ chức diễu binh là quyết định chuẩn xác, cũng như Champs-Élysées cho diễu binh quốc khánh Pháp và Pennsylvania cho diễu binh nhậm chức tổng thống Mỹ. Đây là những không gian kiến tạo và lưu giữ ký ức (lieux de mémoire - thuật ngữ của Pierre Nora) ở cấp quốc gia. Chúng đủ điều kiện hóa thân thành "sân khấu đô thị" - nơi quốc thể được trình diễn, để lại dấu ấn thị giác mạnh mẽ.

Những hình ảnh nổi bật trong lễ diễu binh 50 năm thống nhất đất nước 2025.

Tuy không thường xuyên và phải đầu tư công sức tiền của, diễu binh mang lại những giá trị to lớn, ở những phạm trù không thể đo đếm.

Điều đầu tiên và sâu sắc nhất: kiến tạo cảm xúc cộng đồng, thứ vô giá. Làm sao định giá được cảm xúc của hàng triệu người khi thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trong tiếng nhạc? Làm sao đo được niềm tự hào khi những đoàn quân chính quy bước qua Hội trường Thống nhất - nơi lịch sử từng sang trang? Sự cộng hưởng cảm xúc, đồng thuận xã hội, niềm tự hào âm ỉ lan tỏa - đó là những giá trị không mua được bằng ngân sách.

Một lễ diễu binh sẽ "sản xuất ký ức". Những ký ức sống động bằng thị giác thời đại, bằng tình cảm chân thành của hàng triệu người cùng nhìn về một hướng. Một buổi đại nhạc hội có thể tạo ra khoảnh khắc thăng hoa. Một trận pháo hoa có thể khiến đứa trẻ 7 tuổi nhớ mãi khoảnh khắc bầu trời bừng sáng trên cầu Thủ Thiêm, hay bản quốc ca vang lên giữa phố khiến người dân thường cũng khẽ đặt tay lên ngực.

Những cảm xúc ấy - khi cộng hưởng - trạng thái mà Emile Durkheim gọi là "cao trào tập thể" (collective effervescence) - tạo ra một chất keo vô hình: sự đoàn kết xã hội, lòng tin tưởng và gắn bó với quốc gia. Đây là một dạng "tài nguyên xã hội" (social capital) quý giá, thúc đẩy hợp tác, chia sẻ và gắn kết cộng đồng vì mục tiêu chung. Điều thú vị của tài nguyên xã hội, như Robert Putnam nhấn mạnh, là nếu không sử dụng thì càng mai một, nhưng càng được huy động thì càng mạnh mẽ tựa như cơ chế của cơ bắp, nên rất cần những cơ hội được kích hoạt như dịp lễ này. Khi được định hình đúng, chúng trở thành ý thức công dân, là nền móng cho tình cảm dân tộc, và sức mạnh đại đoàn kết.

Với các quân nhân, đây là dịp rèn luyện tinh thần, gặp gỡ đồng đội từ nhiều lực lượng. Được bước đều trong đội hình danh dự là vinh dự không phải ai cũng có. Khoảnh khắc ấy, họ không chỉ đại diện cho đơn vị, mà cho cả đất nước và lịch sử.

Còn người dân - cả đứng xem trực tiếp hay qua màn hình - không đơn thuần là khán giả. Họ là một phần không gian ấy. Những em nhỏ mặc áo cờ đỏ, cụ già trong áo dài, người phụ nữ nhấp nhổm tìm con trai trong hàng ngũ sải bước. Họ đến vì muốn chứng kiến những thời khắc lịch sử. Và chính điều đó, nhỏ bé mà sâu sắc, làm nên một sự kiện quốc gia.

Mỗi quốc gia hiện đại cần những "khoảnh khắc biểu tượng" - khi cả đất nước cùng thở chung một nhịp, nối vòng tay lớn, và cảm thấy mình thuộc về điều gì đó lớn lao. Trong thế giới phân mảnh hôm nay, một sự kiện cộng đồng thiêng liêng và dâng trào cảm xúc chính là dải lụa mềm kết nối triệu con tim.

Một bản giao hưởng quốc gia như lễ diễu binh giúp đặt lại trục tâm lý quốc dân, hâm nóng niềm tin tập thể, đánh thức những giá trị nhân ái tưởng chừng đã ngủ quên. Không chỉ có sân khấu, mà còn đại công chúng. Không nhìn về quá khứ, mà hướng tới tương lai.

Thứ đến là giá trị ngoại giao, khi diễu binh lần này có sự hợp diễn của các nước láng giềng. Hơn nữa, trong một thế giới đầy bất ổn, diễu binh giúp nói lên thông điệp: Chúng tôi yêu chuộng hòa bình, nhưng đủ khả năng và luôn sẵn sàng bảo vệ mình.

Thế giới đang trở lại với "sức mạnh cứng", Việt Nam khéo léo chọn kể chuyện theo cách riêng - bằng "sức mạnh mềm" - tập trung vào con người. Với một đất nước mà hai phần ba dân số sinh sau chiến tranh, lễ diễu binh không chỉ cho thế hệ đi trước mà đặc biệt dành cho thế hệ đi sau - những người mang ký ức tổ quốc và ngọn lửa trách nhiệm tiếp bước.

Trong không khí lễ hội, tôi vẫn bất giác nhớ lại câu danh ngôn từng nghe đâu đó: Lịch sử như dòng sông nhìn từ hai bờ.

Hơn mười năm trước, trong một lần khảo sát thực địa "đại lộ quốc gia" ở Washington DC, từ Đài tưởng niệm Lincoln, tôi thấy bức tường đá đen trải dài nổi bật giữa thảm cỏ xanh lớn và dòng chữ: Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam. Khoảnh khắc khiến tôi sững lại từ xa là khi một người phụ nữ lớn tuổi trên xe lăn, đặt bó hoa và tấm ảnh nhỏ bên tường bia đá, rồi gục đầu khóc. Giây phút đó, tôi đã bắt gặp dòng sông từ bờ bên kia.

Tôi cũng nhớ lại thời du học ở Berlin, tại ngôi trường nhỏ nằm phía "Đông Đức" cũ. Một lần, tôi khá sốc khi nghe cậu bạn cùng nhóm chia sẻ mình không bao giờ bước chân sang ga trung tâm Zoologischer Garten, dù chỉ cách vài cây số, vì khu đó từng là một biểu tượng của "Tây Đức". Lúc đó, tường Berlin đã được phá bỏ từ lâu, không gian thủ đô đã liền mạch, nhưng tâm thức hai miền vẫn còn ranh giới.

Lịch sử không đơn sắc, nó là bức tranh ghép từ nhiều mảng màu tương phản. Mọi cuộc chiến đều để lại nỗi đau cho cả hai phía. Nó cũng không đơn thanh, mà là khúc hòa tấu với nốt trầm, nốt bổng, cả khoảng lặng. Nhưng nước mắt ở đâu cũng khơi lên đồng cảm. Và thời gian, dẫu chậm, vẫn kiên nhẫn chữa lành. Trong dòng suy nghĩ ấy, tôi tin vào tinh thần nhân bản, rằng hòa bình không đến từ bên ngoài, mà khởi sinh từ bên trong. Xung đột sinh ra từ vô minh trong nhận thức - gốc rễ của tham, sân, si, mạn, nghi - nhưng bản chất con người vẫn là yêu thương và hướng thiện.

Những ngày tháng Tư, giữa tiếng quân nhạc và nắng gió, Việt Nam kể câu chuyện dân tộc - không bằng sách giáo khoa, mà bằng hình ảnh, âm thanh, hàng vạn nụ cười trên phố và triệu trái tim khắp miền - về một dân tộc yêu hòa bình nhưng luôn sẵn sàng lúc lâm nguy. Không phải ai cũng may mắn được tận mắt chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng ấy.

Trong "concert quốc gia", theo như cách nói của giới trẻ, mỗi người không chỉ là khán giả mà là một nốt nhạc sống trong bản hòa âm dân tộc - với cảm giác được thuộc về.

Lễ kỷ niệm rồi sẽ khép lại, phố phường cũng trở lại nhịp sống nhộn nhịp đời thường. Nhưng đâu đó, hình ảnh bước chân đều tăm tắp, lá cờ đỏ và tiếng quân nhạc hào hùng vẫn sống mãi trong lòng người dân Thành phố. Tinh thần diễu binh vẫn sẽ chảy trong huyết quản của mỗi chúng ta, để làm tròn vai công dân bằng những cống hiến trong công việc hàng ngày.

Bởi yêu nước không chỉ là khoảnh khắc - mà là hành trình.

Kiên - Vnexpress