THOÁI HÓA TẾ BÀO NÃO

Thứ 4 ngày 31 tháng 10 năm 2018Lượt xem: 16181

# TK 2018: Ảnh hưởng của triệu chứng vận động đối với chất lượng cuộc sống của bệnh nhân Parkinson tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương.

 

EFFECTS OF PROGRESSIVE MOTOR SYMTOMS ON THE QUALITY OF LIFE OF PARKINSON’S PATIENTS.

Tóm tắt

Mục tiêu: Đánh giá ảnh hưởng của các triệu chứng vận động theo giai đoạn tiến triển đối với chất lượng cuộc sống của bệnh nhân Parkinson. Đối tượng: gồm 147 bệnh nhân được chẩn đoán bệnh Parkinson điều trị tại Bệnh viện Lão Khoa Trung ương, thời gian từ tháng 10 năm 2014 đến tháng 6 năm 2015. Phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang. Kết quả: phân loại độ nặng bệnh Parkinson theo thang điểm Hoehn và Yahr chủ yếu ở giai đoạn 3 (57,8%). Và phần lớn là ở thể điển hình (56,5%). Theo thang điểm đánh giá chất lượng sống của bệnh nhân Parkinson PDQ-39 (33,8 ±15,399). Ảnh hưởng của các triệu chứng vận động đến chất lượng cuộc sống(dáng đi bất thường với PDQ-39 (R=0,531, p< 0,01). Mối tương quan giữa giai đoạn bệnh với điểm PDQ 39 (giai đoạn 1 (R=0,477, p<0,01), giai đoạn 4 (R=0,428, p<0,01). Mối tương quan UPDRS với thang điểm PDQ39 (R=0,649, p<0,01). Kết luận: Mức độ nghiêm trọng của bệnh có tác động đáng kể đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân parkinson. Từ khóa: Parkinson, chất lượng cuộc sống.

Summary

Objectives: Effects of progressive motor symptoms on the quality of life of Parkinson's patients. Subjects: 147 patients diagnosed with Parkinson's disease treated at Central Gerontological Hospital from October 2014 to June 2015. Methods: Cross-sectional descriptive study. Results: Hoehn and Yahr scale of Parkinson's disease were classified as Stage 3 (57.8%). And mostly in the typical case (56.5%). On the basis of the PDQ-39 (33.8 ± 15.399) PDQ-39 quality of life assessment. Effects of motor symptoms on quality of life (absent gait with PDQ-39 (R = 0.531, p <0.01).) Correlation between disease stage with PDQ score 39 (stage 1 ( R = 0.477, p <0.01), phase 4 (R = 0.428, p <0.01), UPDRS correlation with PDQ39 score (R = 0.649, p <0.01). Conclusions: The severity of the disease has a significant impact on the quality of life of parkinsonian patients. Key words: Parkinson's, quality of life

 

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

     Bệnh Parkinson là một bệnh thoái hóa thần kinh trung ương và được coi là bệnh của người cao tuổi. Chỉ số già hóa ngày càng gia tăng, tại Việt Nam năm 1999 là 24, năm 2009 là 36, dự báo đến năm 2019 là 50 [1]. Vì vậy việc chẩn đoán và điều trị Parkinson càng cần được quan tâm hơn.

     Ngày nay với sự phát triển của kinh tế, y học và các ngành khoa học, chất lượng cuộc sống ngày càng được quan tâm và nâng cao đặc biệt với người cao tuổi. Những triệu chứng rối loạn vận động của bệnh Parkinson là triệu chứng chính gây tàn tật đối với bệnh nhân Parkinson. Những triệu chứng này xuất hiện suốt trong quá trình phát triển của bệnh và đã được khẳng định là có ảnh hưởng rõ rệt đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân [2].Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu về yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân Parkinson, những công trình nghiên cứu này hầu hết là sử dụng thang điểm đánh giá chất lượng cuộc sống PDQ39 (Parkinson Disease Questionnaire 39) và đã khẳng định chất lượng cuộc sống của bệnh nhân Parkinson có sự thay đổi đáng kể.

 

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

    Gồm 147 bệnh nhân chẩn đoán bệnh Parkinson được khám và điều trị tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương từ tháng 10 năm 2014 đến tháng 6 năm 2015.

* Tiêu chuẩn lựa chọn

   Các bệnh nhân được chẩn đoán bệnh Parkinson theo tiêu chuẩn của Ngân hàng não hội Parkinson Vương quốc Anh đang được khám và điều trị tại bệnh viện Lão khoa Trung ương

 * Tiêu chuẩn loại trừ

    Có bằng chứng lâm sàng (tiền sử về các bệnh nội khoa và chấn thương có thể gây ra hội chứng Parkinson thứ phát, các dấu hiệu lâm sàng không điển hình, sự không đáp ứng đối với levodopa) và/hoặc bằng có hình ảnh học gợi ý đến các hội chứng Parkinson khác của viêm não, bệnh mạch máu não, bệnh tràn dịch não thất hay bệnh sa sút trí tuệ.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

 - Thiết kế: nghiên cứu mô tả cắt ngang

 - Cỡ mẫu nghiên cứu: thuận tiện

 - Các bước tiến hành: Tất cả bệnh nhân được hỏi và khám theo mẫu bệnh án thống nhất. Đánh giá chất lượng cuộc sống của bệnh nhân dựa vào tiêu chí:

      + Phân loại độ nặng bệnh Parkinson theo thang điểm Hoehn và Yahr

      + Theo thang điểm đánh giá chất lượng sống của bệnh nhân Parkinson PDQ-39

      + Mối tương quan giữa giai đoạn bệnh với điểm PDQ 39 và giữa điểm UPDRS với điểm PDQ39

 - Các số liệu được thu thập theo mẫu bệnh án nghiên cứu thống nhất

2.3. Xử lý số liệu: theo phần mềm SPSS 16.0.

2.4. Đạo đức nghiên cứu

    Kết quả nghiên cứu giúp đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân parkinson và không nhằm mục đích nào khác

 

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Bảng 3.1. Đặc điểm nhóm nghiên cứu (n=147)

Nhận xét: Tuổi trung bình của bệnh nhân Parkinson trong nhóm nghiên cứu là 66,63 ± 8,27 (năm); Tuổi khởi phát bệnh trung bình là 62,03 ± 7,74 (năm); Điểm UPDRS-III trung bình là 34,1 ± 14,6; Điểm chất lượng sống PDQ-39 là 33,8 ±15,399.

Nhận xét: Nhóm bệnh nghiên cứu chủ yếu ở giai đoạn 1 đến giai đoạn 4, trong đó phần  lớn là ở giai đoạn 3 (57,8%).

Bảng 3.2. Chẩn đoán thể lâm sàng

Nhận xét: Thể lâm sàng hay gặp nhất là thể điển hình chiếm 56,5%, thể bất động, tăng trương lực chiếm 24,5%, thể run chiếm 19,0%.

Nhận xét: Trong khoảng 0 - 24 điểm mục hỗ trợ xã hội có tỷ lệ cao nhất là 94,6 %, mục hoạt động hàng ngày có tỷ lệ thấp nhất là 11,6%.  Trong khoảng 26-50 điểm, mục khó chịu cơ thể có tỷ lệ cao nhất là 51,7%, mục hỗ trợ xã hội chiếm tỷ lệ thấp nhất là 2,7%. Trong khoảng 51-75 điểm mục hoạt động hàng ngày có tỷ lệ cao nhất là 46,9 %, mục hỗ trợ xã hội chiếm tỷ lệ thấp nhất là 2,7%. Trong khoảng 76- 100 điểm mục hoạt động hàng ngày có tỷ lệ cao nhất là 18,4%, mục hỗ trợ xã hội và cảm xúc chiếm tỷ lệ thấp nhất là 0%.

Bảng 3.3. Tương quan của điểm lâm sàng với PDQ-39

Nhận xét: triệu chứng dáng đi bất thường có tương quan chặt chẽ với điểm chất lượng sống (QoL) (r = 0,531, p<0,01). Trong các giai đoạn bệnh thì giai đoạn 4 có hệ số tương quan lớn nhất với điểm QoL (r=0,428, p<0,01). Thể cứng tương quan đáng kể với điểm QoL (r=0,637, p<0,01).

 

IV. BÀN LUẬN

      * Đặc điểm nhóm nghiên cứu

      Đối tượng nghiên cứu của chúng tôi có 147 bệnh nhân trong chương trình quản lý bệnh Parkinson của Bệnh viện Lão Khoa Trung ương. Tuổi trung bình của bệnh nhân Parkinson trong nhóm nghiên cứu là 66,63 ± 8,27 (năm); trong đó tuổi thấp nhất là 51 tuổi, tuổi cao nhất là 87 tuổi. Tuổi khởi phát bệnh trung bình là 62,03 ± 7,74 (năm) trong đó tuổi thấp nhất là 41, tuổi cao nhất là 82 tuổi.

      Thể điển hình chiếm đa số 56,5%, thể bất động tăng trương lực là 23,8%, thể run là 19%. theo phân loại của Hoehn và Yahr chủ yếu bệnh nhân thuộc giai đoạn 3 (57,8%), giai đoạn 1,2 là 42%, giai đoạn 4 là 10,2%, không có bệnh nhân ở giai đoạn 5. Trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi bệnh nhân chủ yếu ở giai đoạn 3 có thể là do thời  gian bị bệnh của nhóm bệnh nhân chủ yếu từ 5-10 năm,  bệnh nhân đến khám khi triệu chứng đã rõ ràng, hoặc do người dân còn thiếu kiến thức về bệnh tật, cho rằng đó là dấu hiệu của tuổi già nên không đi khám sớm, không có bệnh nhân ở giai đoạn 5 có thể do bệnh nặng bệnh nhân nằm liệt giường không đến viện khám được và người nhà đến lấy thuốc hộ hoặc tự mua thuốc cho bệnh nhân.

      * Chất lượng sống của bệnh nhân Parkinson theo thang điểm PDQ 39.

      Chúng tôi chia tổng số điểm từng mục ra các mức độ: 0-25 điểm, 26-50 điểm, 51-75 điểm, 76-100 điểm. Theo kết quả nghiên cứu (xem hình 3.2), mục đi lại có giá trị trung bình là (47,29 ±27,33). Trong phần này, khoảng điểm 51-75 chiếm tỷ lệ cao nhất. Điều này cho thấy mức độ ảnh hưởng của bệnh Parkinson đến sự đi lại trong nhóm bệnh nhân nghiên cứu ở mức độ nặng. Có 10,2% bệnh nhân bị ảnh hưởng trầm trọng (khoảng điểm từ 76-100).

      Mục hoạt động hàng ngày có giá trị trung bình là (59,53± 25,47), khoảng điểm 51-75 và 76-100 chiếm tỷ lệ 65,3%. Điều này chứng tỏ ảnh hưởng của bệnh Parkinson đến hoạt động hàng ngày là rất lớn. Mức độ cảm xúc điểm trung bình 26,34 (± 21,43), khoảng điểm từ 0-25 chiếm tỷ lệ 56,5%, khoảng điểm từ 26-50 chiếm tỷ lệ 29,3 %, khoảng điểm từ 51-75 chiếm tỷ lệ 14,3%; như vậy ảnh hưởng của bệnh tật đến cảm xúc của bệnh nhân ở mức độ nhẹ và trung bình.

     Các dấu hiệu bệnh có điểm trung bình 29,33 (± 20,20) khoảng điểm từ 0-25 chiếm tỷ lệ 57,8%, 26-75 chiếm tỷ lệ 43,6%; như vậy là ảnh hưởng của bệnh lên cuộc sống ở mức độ nhẹ.

     Mục hỗ trợ xã hội điểm trung bình 10,21 (± 13,86) khoảng điểm từ 0-24 chiếm tỷ lệ 94,6% như vậy bệnh tật gần như không ảnh hưởng đến hỗ trợ xã hội.

     Mục nhận thức điểm trung bình 33,79 (± 19,66) trong khoảng điểm 0-25 và 26-50 điểm có 82,3%, khoảng điểm 51-75 là 17%, khoảng điểm 76-100 chiếm 0,7%; từ kết quả trên cho thấy ảnh hưởng của bệnh tật lên vấn đề nhận thức là ở mức độ nhẹ. Vấn đề giao tiếp điểm trung bình 27,67(± 20,88) khoảng điểm 0-25, 26-50 chiếm tỷ lệ 89,8%, như vậy bệnh tật ít ảnh hưởng đến giao tiếp của bệnh nhân. Mục khó chịu cơ thể có điểm trung bình 33,59 (± 20,13), khoảng điểm 0-25, 26-50 chiếm tỷ lệ 87,1 %; như vậy bệnh tật ít  ảnh hưởng đến khó chịu cơ thể.

     Theo Crispin Jenkinson và cộng sự nghiên cứu trên 715 bệnh nhân cho thấy bệnh tật ảnh hưởng nhiều đến sự đi lại (điểm trung bình 59,1 ± 29,95) và hoạt động hàng ngày ( điểm trung bình 51,7 ± 27,52). Trong khoảng điểm lớn hơn 75, mục đi lại và hoạt động hàng ngày cũng chiếm tỷ lệ cao nhất (85% và 75%). Trong các mục còn lại, bệnh Parkinson ảnh hưởng mức độ trung bình đến chất lượng cuộc sống (giá trị điểm trung bình từ 25 – 48) [3].

     Kết quả nghiên cứu của Do-Young Kwon và cộng sự cho thấy điểm trung bình các mục không cao: các mục đi lại, hoạt động hàng ngày, sự kỳ thị, hỗ trợ xã hội, nhận thức, giao tiếp có điểm trung bình dưới 25, mục cảm xúc và khó chịu cơ thể có điểm trung bình trên 25 [4].

      Bộ câu hỏi 39 mục về bệnh Parkinson được sử dụng rộng rãi nhất để đánh giá chất lượng cuộc sống bệnh nhân Parkinson. Từ nghiên cứu này và những nghiên cứu khác trên thế giới, chúng tôi nhận thấy bộ 39 câu hỏi bệnh Parkinson khá tiện lợi, dễ sử dụng, có giá trị và đáng tin cậy [4].

      * Ảnh hưởng của các triệu chứng vận động đến chất lượng sống của bệnh nhân PD

      Bất ổn định tư thế (dáng đi bất thường) có tương quan khá chặt tới khả năng đi lại (R=0,558, p <0,01), hoạt động hàng ngày (R= 0,454, p<0,01), khả năng giao tiếp (R=0,415, p<0,01). Yếu tố này cũng có tương quan rõ rệt tới điểm chất lượng cuộc sống PDQ-SI (R=0,531, p<0,01). Như vậy bất ổn định tư thế có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và làm cho cuộc sống của bệnh nhân Parkinson tồi tệ hơn. Các triệu chứng khác không có tương quan hoặc tương quan lỏng lẻo với điểm chất lượng sống của bệnh nhân, điều này cho thấy các triệu chứng run, giảm vận động, tăng trương lực  cơ ít hoặc không ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân PD.

     Theo JC Gomez-Esteban và cộng sự cũng cho thấy rối loạn dáng đi có sự tương quan rõ rệt với điểm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân Parkinson góp phần làm trầm trọng thêm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân [5]. Theo phân loại Hoehn và Yahr, giai đoạn 4 có sự tương quan trung bình với điểm chất lượng sống của bệnh nhân (r=0,428, p<0,01)

      Đến giai đoạn 4, khi các triệu chứng rối loạn vận động tiến triển nặng nề hơn, các rối loạn về vận động đã xuất hiện đầy đủ và trở nên trầm trọng  thì sự ảnh hưởng của bệnh đến chất lượng sống của bệnh nhân lại trở nên nặng nề và nghiêm trọng hơn. Theo Anette Schrag và cộng sự  thấy có sự tương quan đáng kể giữa mức độ nghiêm trọng bệnh theo Hoehn và Yahr với điểm chất lượng cuộc sống (r = 0,6, p <0.001) [6]. Trong nghiên cứu của Jiin-Ling Jiang và cộng sự cũng thấy tổng số điểm PDQ-39 tương quan đáng kể và tích cực với mức độ nghiêm trọng bệnh được đo bằng các giai đoạn Hoehn & Yahr (r = 0,44; p = 0,02) [7].

      Như vậy tùy theo từng giai đoạn bệnh có ảnh hưởng khác nhau đến chất lượng sống của bệnh nhân Parkinson. Giai đoạn càng nặng thì chất lượng cuộc sống của bệnh nhân Parkinson càng tồi tệ hơn.

      * Ảnh hưởng của thể bệnh đến chất lượng sống của bệnh nhân PD

      Thể bất động tăng trương lực có mối tương quan chặt với điểm PDQSI (R=0,637, p<0,01), tương quan nhẹ tới các mục sự đi lại, hoạt động hàng ngày, sự kỳ thị.

      Như vậy trong nghiên cứu của chúng tôi thấy bệnh nhân có triệu chứng cứng, tăng trương lực cơ vượt trội (thể bất động, tăng trương lực) có điểm chất lượng cuộc sống tồi tệ hơn những bệnh nhân thuộc thể run, thể điển hình. Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu của Anette Schrag và cộng sự. Theo tác giả Anette Schrag và cộng sự cũng khẳng định thể bệnh bất động tăng trương lực cơ có điểm chất lượng cuộc sống tồi tệ hơn thể run và thể điển hình. [6]. Trong các nghiên cứu đánh giá các phân nhóm của Parkinson, bệnh nhân ở thể run thường được tìm thấy có một tiên lượng tốt hơn so với thể bất động tăng trương lực, với một tốc độ tiến triển chậm các của triệu chứng vận động.

      * Ảnh hưởng của các rối loạn vận động theo thang điểm thống nhất đánh giá Parkinson (UPDRS-III) với chất lượng cuộc sống của bệnh nhân Parkinson

      Trong nghiên cứu này chúng tôi thấy rối loạn vận động theo thang điểm UPDRS-III có sự tương quan khá chặt chẽ vơi điểm chất lượng sống (r= 0,649, p<0,01).

      JC Gomez-Esteban và cộng sự [5] nghiên cứu 110 bệnh nhân Parkinson thấy có sự tương quan rõ rệt giữa điểm số UDPRS-III với điểm chất lượng cuộc sống (PDQ-SI) (r=0,506, p<0,05). Theo Anette Schrag và cộng sự điểm số của UPDRS-III có sự tương quan trung bình với điểm chất lượng sống (PDQ-SI) (r=0.41, p<0.01) [6]. Trong nghiên cứu của Jiin-Ling Jiang và cộng sự  thấy rằng điểm số của UPDRS-III không có sự tương quan với điểm chất lượng sống (PDQ-SI) (r = 0.22, p = 0.26) [7].

 

V. KẾT LUẬN

      Sự mất ổn định tư thế có mối tương quan chặt chẽ với điểm chất lượng cuộc sống (R=0,531, p<0,01). Những trường hợp có triệu chứng cứng, tăng trương lực vợt trội (thể bất động tăng trương lực) có sự tương quan chặt chẽ với điểm chất lượng sống của bệnh nhân (r=0,637; p<0,01)

      Rối loạn vận động theo Thang điểm Thống nhất đánh giá Parkinson (UPDRS-III) và thang điểm hoạt động sống hàng ngày theo Schwad và England có tương quan mạnh mẽ với điểm chất lượng sống: (r=0,649, p<0,01), (r=0,626, p<0,01). Giai đoạn bệnh khác nhau có sự tương quan với điểm chất lượng sống (PDQ-SI) của bệnh nhân khác nhau: giai đoạn 1 (r=0,477; p<0,01), giai đoạn 2 (r=0,216; p<0,01), giai đoạn 3 (r=0,0,243; p<0,01), giai đoạn 4 (r=0,0,428; p<0,01).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Quỹ Dân số Liên hợp Quốc (2011), "Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam: thực trạng, dự báo và một số khuyến nghị chính sách.".
  2. W. Poewe (2008), "Non-motor symptoms in Parkinson's disease", European Journal of Neurology,  15, tr. 14-20.
  3. Crispin Jenkinson và et al (2006), "The Parkinson’s Disease Questionnaire (PDQ-39): evidence for a method of imputing missing data", Age and Ageing,  35, tr. 497-502.
  4. Kwon Do-Young (2013), "Translation and Validation of the Korean Version of the 39-Item Parkinson’s Disease Questionnaire", J Clin Neurol,  9, tr. 26- 31.
  5. JC Gomez-Esteban, JJ Zarranz và E Lezcano (2007), "Influence of motor symptoms upon the quality of life of patients with Parkinson's disease", European Journal of Neurology,  57, tr. 161–165
  6. Anette Schrag, Marjan Jahanshahi và Niall Quinn. (2000), "What contributes to quality of life in patients withParkinson’s disease", J Neurol Neurosurg Psychiatry,  69, tr. 308–312.
  7. Jiin-Ling Jiang, Sheng-Tzung Tsai, Tsung-Cheng Hsieh và các cộng sự. (2013), "The impact of motor and depressive symptoms on quality of life in patients with Parkinson's disease", Tzu-Chi medical journal,  24(2), tr. 65–72.

khamthankinh.vn