Thứ 3 ngày 13 tháng 08 năm 2024Lượt xem: 6255
Xu thế già hóa dân số và vấn đề chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Câu 1. (Bà Trần Thị Thu Hằng) Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Dự báo trong 10 năm nữa (2030), người cao tuổi (NCT) sẽ chiếm 17% dân số; đến năm 2038 là 20% và đến năm 2050 sẽ là 25%. Vậy tại Hải Phòng, tốc độ già hóa dân số đang diễn ra như thế nào, thưa bà?
Già hóa dân số của thành phố Hải phòng cũng như cả nước, hiện nay số NCT toàn thành phố chiếm khoảng 18% dân số và dự báo khoảng 15 năm nữa HP sẽ bước vào giai đoạn dân số già.
Câu 2. (Bà Trần Thị Thu Hằng) Nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng già hóa dân số là gì, thưa bà?
1. Có thể nói: Già hóa dân số là quy luật diễn ra của quá trình Dân số: từ cơ cấu DS trẻ - cơ cấu DS vàng và cơ cấu DS già. Điều quan trọng đó là chúng ta phải làm gì, chuẩn bị những gì để thích ứng với giai đoạn cơ cấu dân số già?
2. Ngoài ra do Tuổi thọ trung bình của người dân VN tăng cao, từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 73,6 tuổi năm 2019, cao hơn nhiêu nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người (Hải Phòng năm 2019 là 74,7 cao hơn so với cả nước).
3. Mức sinh xuống thấp trong nhiều năm gần đây ở 1 số tỉnh, thành phố làm cho xu hướng già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh hơn.
Câu 3. (Bà Trần Thị Thu Hằng) Vậy những vấn đề đặt ra với mọi mặt đời sống khi tốc độ già hóa dân số ngày càng nhanh là gì?
1. Có thể khẳng định: Tuổi thọ tăng là một thành tựu trong công tác BVCS và nâng cao SK nhân dân và phản ánh kinh tế – xã hội của đất nước ta ngày càng phát triển.Tuy nhiên GHDS đang diễn ra với tốc độ nhanh sẽ tác động đến mọi mặt của đời sống, đặt ra nhiều thách thức trong việc hoạch định chính sách để thích ứng với già hóa dân số như: chính sách an sinh xã hội, lao động việc làm, cơ sở hạ tầng giao thông, vui chơi giải trí… đặc biệt là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho NCT…
2. Tuy tuổi thọ trung bình tăng cao (năm 2023 cả nước: 74,5 tuổi, Hải Phòng là 75 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh còn thấp (chỉ đạt khoảng 64 tuổi), trung bình NCT có khoảng 10 năm sống không khỏe, sống chung với bệnh tật. NCT đang phải đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép” và thường mắc các bệnh mạn tính, trung bình mỗi người cao tuổi có 3 bệnh chủ yếu là bệnh không lây nhiễm đòi hỏi chăm sóc dài hạn và chi phí điều trị lớn, đặc biệt là số bệnh như: huyết áp, tim mạch, tiểu đường, bệnh phổi, xương khớp, ung thư… cũng như các vấn đề về sức khỏe tâm thần; người khuyết tật là NCT có xu hướng gia tăng dẫn đến rất cần chăm sóc về y tế, đặc biệt là chăm sóc dài hạn.
Câu 4. (BS Nguyễn Tuấn Lượng) Như bà Trần Thị Thu Hằng vừa chia sẻ, với tốc độ già hóa dân số như hiện nay, công tác chăm sóc người cao tuổi sẽ là thách thức rất lớn. Theo bác sỹ Nguyễn Tuấn Lượng, những thách thức đó là gì ạ?
Theo Luật Người cao tuổi năm 2009, người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, đối với cả nam và nữ.
Có nhiều quan điểm, góc nhìn khác nhau về người cao tuổi bên cạnh tuổi đời của một người và quá trình sinh học khi người ta già đi.
Cụ thể, khi phân tích tuổi tác, cần phân biệt và nhận định các khía cạnh riêng biệt, độc lập nhưng vẫn có sự liên kết với nhau như sau:
1- Tuổi đời: dựa trên ngày, tháng, năm sinh;
2- Tuổi sinh học: liên quan đến các thay đổi thể chất;
3- Tuổi tâm lý: liên quan đến thay đổi tinh thần, tính cách trong các giai đoạn sống của cá nhân;
4- Tuổi xã hội: liên quan đến những thay đổi về vai trò và mối quan hệ xã hội của cá nhân khi già đi.
Bốn khía cạnh này của quá trình già hóa thường phát triển với nhịp độ khác nhau, phụ thuộc vào sự trải nghiệm cá nhân, môi trường văn hóa, lịch sử, xã hội... Điều này có nghĩa, khi một người được coi là “cao tuổi” (tuổi đời) không đồng nghĩa là suy giảm về thể chất, tâm lý và các quan hệ xã hội. Các cá nhân có sự đa dạng về đặc điểm thể chất, tâm sinh lý và sự tham gia xã hội, kể cả khi họ đã lớn tuổi và sự đóng góp của mỗi cá nhân đối với gia đình, cộng đồng và xã hội được thể hiện ở nhiều góc độ, mức độ khác nhau, đều rất đáng được ghi nhận, trân trọng.
Như vậy, đây là gốc rễ vấn đề của sự thách thức khi chăm sóc người cao tuổi!
Câu 5. (BS Nguyễn Tuấn Lượng) Trung bình mỗi người cao tuổi sẽ thường mắc những bệnh lý gì, thưa bác sỹ?
Tỷ lệ người cao tuổi gia tăng gây nhiều áp lực đối với hệ thống y tế trên toàn thế giới. Việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi luôn là vấn đề quan trọng và đặc biệt nhất là hội chứng lão khoa thường gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.
Hội chứng lão khoa bao gồm nhiều vấn đề về sức khỏe phức tạp khác nhau của người cao tuổi. Hội chứng này chủ yếu đến từ các vấn đề lão hóa cơ thể do tuổi già và liên quan đến nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể. Có 4 yếu tố gây ra hội chứng lão khoa bao gồm:
- Tuổi già.
- Lão hóa.
- Rối loạn chức năng nhận thức.
- Hoạt động hằng ngày suy giảm do khả năng di chuyển kém.
Biểu hiện của Hội chứng lão khoa:
- Mê sảng: là tình trạng thường gặp, đây là một rối loạn tâm thần có tính bất ngờ, không đề phòng trước được. Người già mắc chứng mê sảng thường không còn khả năng chú ý, mất phương hướng, nhận thức suy giảm, hành vi, tính cách và cảm xúc thay đổi.
- Mất trí nhớ: tuổi già hệ thần kinh lão hóa dẫn đến nhiều hệ quả nguy hiểm, đặc biệt là mất trí nhớ, lú lẫn, các bệnh lý như Parkinson...
- Nguy cơ ngã: té ngã là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở người già, thay đổi về tuổi tác làm giảm các hệ thống liên quan đến việc duy trì cân bằng, khiến người già dễ bị ngã hơn.
- Yếu: cơ thể người già các chức năng đang tiến vào giai đoạn lão hóa, cơ thể yếu hơn so với trước kia, đặc biệt là hệ miễn dịch chính vì vậy người cao tuổi là đối tượng mắc nhiều loại bệnh. Hơn nữa do cơ thể sau nhiều năm làm việc, lao động, các bệnh lý tích tụ khiến cơ thể yếu hơn cùng với việc người cao tuổi thường ngại hoạt động tập thể dục khiến cơ thể ngày càng yếu dần đi.
- Chóng mặt: đây là tình trạng thường gặp ở người cao tuổi.
- Không tự chủ: người già thường gặp các vấn đề về cơ thể mà chính bản thân họ không làm chủ được như đại tiểu tiện không tự chủ, gặp các vấn đề về việc đi lại, cần người khác chăm sóc.
- Suy dinh dưỡng, khó ăn: ăn không ngon miệng hoặc nhiều lý do khác nhau khiến người già không ăn được nhiều dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng có thể xảy ra.
- Suy giảm thính giác, mất thị lực: nguyên nhân khiến người già suy giảm hoặc mất thị lực là do sự thoái hóa các protein thủy tinh thể. Mất hay giảm thị lực làm ảnh hưởng đến khả năng quan sát của người cao tuổi. Đối với suy giảm thính giác, sau 40 tuổi có sự thay đổi về cấu trúc cơ quan thính giác như giảm số lượng các tế bào lông, hạch, giảm máu cung cấp cho vùng ốc tai. Như vậy, giảm thính lực ... gây ra những ảnh hưởng nhất định đối với việc tiếp nhận thông tin từ người đối diện.
- Rối loạn giấc ngủ: như khó ngủ, ngủ không sâu giấc hoặc mất ngủ. Nếu không điều trị sớm lâu dài sẽ có những ảnh hưởng nhất định đối với sức khỏe.
- Loãng xương: đây là tình trạng phổ biến thường gặp ở người già, mật độ canxi trong xương giảm dần theo tuổi tác, chính vì vậy tình trạng loãng xương thường xảy ra khiến người già dễ bị các chấn thương gãy xương gây nguy hiểm đến tính mạng.
Câu 6. (BS Nguyễn Tuấn Lượng) Trong quá trình khám chữa bệnh cho người cao tuổi, bác sỹ nhận thấy khó khăn nhất là gì?
1. Xây dựng mối quan hệ với người bệnh cao tuổi.
Mối quan hệ tốt đẹp lâu dài giữa thầy thuốc và người bệnh cao tuổi nên được đặt nền tảng ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên. Về lâu dài, mối quan hệ này sẽ được củng cố thông qua việc xây dựng lòng tin từ thái độ nghề nghiệp và chất lượng chăm sóc.
2. Khai thác tiền sử (Khai thác bệnh tật hình thành từ trước kia đến lúc thăm khám hiện tại).
Một đánh giá toàn diện về lão khoa là cách tiếp cận có hệ thống nhằm thu thập các dữ liệu người bệnh. Việc đánh giá lão khoa có thể giúp xây dựng phương thức tiếp cận và kế hoạch chăm sóc cho từng cá nhân cụ thể…
3. Thăm khám thực thể (Thăm khám tại thời điểm hiện tại)
Việc thăm khám thực thể cho người người bệnh cao tuổi cũng có những điểm khác biệt. Những khía cạnh cần phải quan tâm bao gồm: tình trạng tâm thần, khả năng nghe, khả năng nói, tình hình răng lợi, da, khớp, chân, dáng đi, …
Việc khám thực thể ở người cao tuổi được bắt đầu bằng việc đánh giá khả năng thực hiện các chức năng như quan sát người bệnh đi vào phòng khám có cần sự hỗ trợ nào không, cách người bệnh bỏ giầy, đứng lên khỏi ghế và đi lại trong phòng,…
Thăm khám chi tiết các hệ cơ quan: khám hệ thần kinh, hệ cơ xương khớp, hệ tiêu hóa, hệ hô hấp,…
4. Thực hiện xét nghiệm
Việc chỉ định các xét nghiệm nên được cân nhắc chỉ định một cách cẩn thận, nhất là đối với người bệnh cao tuổi. Cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích, khả năng áp dụng với giá thành để đảm bảo yêu cầu chi phí và hiệu quả. Chỉ định xét nghiệm cần phù hợp với từng người bệnh cao tuổi.
5. Thực hiện thăm khám tại nhà
Đối với người bệnh cao tuổi không thể đi lại được, việc thăm khám bệnh tại nhà cần được thực hiện. Thăm khám tại nhà cho phép người thầy thuốc hiểu được cuộc sống thực tế của người bệnh, từ đó cung cấp thêm thông tin cho việc quản lí và điều trị liên tục và hiệu quả.
Hạn chế của việc thăm khám tại nhà là không thể thực hiện được đầy đủ các thăm khám lâm sàng phức tạp cũng như các xét nghiệm cận lâm sàng.
Như vậy, khó khăn trong khám chữa bệnh cho người cao tuổi là quá trình đánh giá lão khoa toàn diện.
- Chú trọng vào dự phòng hơn là các điều trị cấp tính.
- Chú trọng vào cải thiện hoặc duy trì chức năng cơ thể ở mức tối đa.
- Đưa ra giải pháp lâu dài đối với các người bệnh khó quản lí với nhiều bác sĩ, đến khám cấp cứu nhiều lần, nhập viện và khó theo dõi bệnh.
- Hỗ trợ chẩn đoán các vấn đề sức khoẻ liên quan.
- Xây dựng kế hoạch chăm sóc theo dõi và điều trị.
- Xây dựng kế hoạch phối hợp chăm sóc giữa các chuyên ngành.
- Xác định nhu cầu chăm sóc sức khoẻ và lĩnh vực cần chăm sóc dài hạn thích hợp.
- Xác định và sử dụng tối ưu các nguồn lực chăm sóc sức khỏe.
- Dự phòng tái nhập viện cho người bệnh.
Câu 7. (Bà Trần Thị Thu Hằng) Thưa bà Hằng, vậy giải pháp nhằm thích ứng với già hóa dân số là gì?
GHDS đang là vấn đề toàn cầu, có tác động lớn đến sự phát triển KT-XH của mỗi quốc gia, trong đó có Việt nam. Để thích ứng với già hóa dân số việc ban hành và hoàn thiện chính sách pháp luật về NCT là rất cần thiết. Đặc biệt là các chính sách về lao động việc làm, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho NCT cần được quan tâm.
Một số giải pháp tham mưu, đề xuất:
- Cần Ban hành những chính sách về LĐVL phù hợp với NCT để NCT tiếp tục được tham gia làm việc phù hợp với sức khỏe và tiếp tục cống hiến đóng góp những kinh nghiệm quý, trình độ chuyên môn giỏi để góp phần xây dựng đất nước.
- Cần Ban hành những chính sách đảm bảo an sinh xã hội như: chế độ trợ cấp, BHYT, xây dựng các trung tâm dưỡng lão, nhà dưỡng lão, trung tâm chăm sóc sức khỏe ban ngày, khu vui chơi giải trí…theo hình thức xã hội hóa.
- Đối với ngành Y tế: theo lộ trình các Bệnh viện tuyến thành phố (trừ BV Nhi) cần thành lập Khoa Lão khoa (hoặc đơn nguyên lão khoa), tuyến huyện lồng ghép khoa Lão vào các khoa Nội, YHCT và bố trí giường bệnh dành riêng cho NCT… Đào tạo đội ngũ y, bác sỹ chuyên ngành về Lão khoa. Phát triển kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền trong chăm sóc và điều trị bệnh cho NCT.
- Cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tư vấn về lợi ích và tầm quan trọng của việc khám sức khỏe định kỳ cho NCT; truyền thông tư vấn các bệnh thường gặp của NCT và cách phòng, chống; tư vấn chế độ dinh dưỡng và cách tự chăm sóc bản thân để NCT biết và tự chăm sóc bản thân; tổ chức khám sức khỏe, khám sàng lọc các bệnh thường gặp và lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe cho NCT.
Trong những năm qua Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến NCT, Luật NCT đã quy định tại Điều 12,13 về: quy định khámbệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT tại nơi cư trú… Thủ tướng CP ban hành QĐ 1579/2020 về CSSK NCT đến năm 2030. Bộ Y tế ban hành các Thông tư hướng dẫn CSSK cho NCT( TT số 35/2011, TT số 32/2023 về khám SKĐK).
Thành phố Hải phòng chúng ta đã và đang thể chế hóa, triển khai thực hiện các NQ, Chỉ thị của Trung ương. Đặc biệt năm 2022 HĐND thành phố đã ban hành NQ số 15/2022 về quy định 1 số chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tập thể , cá nhân thực hiện tốt công tác Dân số trên địa bàn thành phố, trong đó tại Điều 5 quy định chính sách khuyến khích, hỗ trợ CSSKNCT. Cụ thể là: hỗ trợ các xã, phường, thị trấn tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NCT hàng năm là:35 triệu đồng/năm cho xã trên 10.000 dân, 25 triệu đồng/xã dưới 10.000 dân. Hỗ trợ các xã thành lập và duy trì hoạt động các CLB CSSKNCT là 10 triệu đồng/xã.
NQ số 05/2024-HĐND (sửa đổi bổ sung NQ số 11/2022) quy định: người đủ từ 60-79 tuổi không có lương hưu, không có trợ cấp XH hàng tháng được ngân sách thành phố hỗ trợ 100% mức đóng BHYT từ ngày 1/8/2024.
Có thể nói đây là những chính sách thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố đối với NCT và cũng là một trong những giải pháp về an sinh xã hội để góp phần thích ứng với già hóa dân số và nâng cao chất lượng sống cho NCT. Giúp NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích cho XH.
Câu 8. (BS Nguyễn Tuấn Lượng) Như vậy, trước những cơ hội và thách thức từ già hóa dân số, việc cần làm hiện nay là tăng cường chăm sóc sức khỏe người cao tuổi để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích, tạo ra động lực để người cao tuổi đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Muốn làm được điều này, chúng ta cần lưu ý gì trong quá trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thưa bác sỹ?
Có 3 vấn đề lớn cần lưu ý:
1. Bản thân người cao tuổi.
Để chăm sóc tốt cho sức khoẻ người cao tuổi cần quan tâm tới cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Bên cạnh sự quan tâm của gia đình và xã hội giúp chăm sóc sức khỏe tinh thần thì để chăm sóc sức khỏe thể chất người cao tuổi, chúng ta cần lưu ý.
a. Những thay đổi trên cơ thể người cao tuổi:
- Thay đổi về hình thái: chiều cao giảm,…
- Thay đổi về thành phần cơ thể: giảm tỷ lệ nước, khối mỡ tăng, khối cơ giảm, …
- Thay đổi cấu trúc và chức năng cơ quan: giảm cảm giác thèm ăn, răng rụng, dạ dày bị co nhỏ, suy giảm chức năng miễn dịch của cơ thể, loãng xương, …
- Thay đổi chức năng chuyển hóa năng lượng và các chất dinh dưỡng.
b. Xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi
Những thay đổi về dinh dưỡng người già có thể ảnh hưởng tới cơ chế hấp thụ thức ăn của cơ thể, vì thế cần chú ý tới những nguyên tắc sau:
- Khẩu phần ăn đủ nhu cầu và cân đối các chất dinh dưỡng gồm: chất đạm, béo, tinh bột, vitamin, khoáng chất, nước và chất xơ,…
- Chế biến thức ăn dễ tiêu hóa, nên có món canh trong bữa ăn;
- Không bỏ qua bất kỳ bữa ăn nào trong ngày;
- Có kế hoạch về thực đơn, theo dõi, đánh giá bữa ăn;
- Theo dõi cân nặng, vòng eo, tỷ lệ mỡ cơ thể.
Người cao tuổi nên có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, giữ tinh thần thoải mái và duy trì vận động vừa sức để cải thiện sức khỏe, làm chậm quá trình lão hóa và có tuổi thọ dài hơn.
2. Gia đình người cao tuổi.
- Duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa con cháu và người cao tuổi.
- Phát huy và duy trì những thế mạnh của người cao tuổi.
- Ủng hộ người cao tuổi tham gia hòa nhập cộng đồng.
3. Xã hội với người cao tuổi.
- Nhà nước đã ban hành các chính sách pháp luật thực thi, cụ thể hóa Luật Người cao tuổi (Luật số 39/2009/QH12 của Quốc hội).
- Bộ y tế ban hành Công văn số 2248/BYT-KCB ngày 24 tháng 04 năm 2018 về việc thành lập khoa lão trong bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa.
- Tại Hải Phòng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cũng đã ban hành Quyết định số: 2256 /QĐ-BVVT (ngày 31 tháng 7 năm 2024) về việc thành lập Đơn vị Lão khoa trực thuộc khoa Nội Cán bộ (Nội 4) - chức năng và nhiệm vụ là Khám bệnh, điều trị các bệnh lý Nội khoa, Lão khoa và quản lý các lĩnh vực liên quan đến Lão khoa.
Thể hiện sự quan tâm, chung tay cùng cộng đồng và gia đình để chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
1. Trần Thị Thu Hằng,
- Chi Cục trưởng - Chi cục Dân số và Kế hoạch hoá gia đình,
Thành phố Hải Phòng.
2. TS. Nguyễn Tuấn Lượng,
- Trưởng Đơn vị Lão khoa - Khoa Cán bộ (khoa Nội 4),
Tin xem nhiều nhất
-
Ngày 09/02/2018
ĐIỆN CƠ là gì ...
-
Ngày 13/02/2018
Điều trị Co thắt mi mắt (Blepharospasm)?
-
Ngày 01/03/2018
Điều trị co cứng cơ sau Đột quỵ não.
-
Ngày 26/05/2018
Điều trị Co thắt nửa mặt (Hemifacial spasm)?
-
Ngày 05/04/2020
Liệt dây thần kinh số VII.
-
Ngày 05/10/2021
Chẩn đoán định khu tổn thương tủy sống.