Ca lâm sàng

Thứ 2 ngày 20 tháng 05 năm 2019Lượt xem: 11194

# CA LÂM SÀNG: Bệnh Dại và thái độ xử trí.

Thái độ xử trí khi bị chó mèo cắn?

Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm vi rút dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.

Dưới đây là ca bệnh nhân bị tử vong rất đáng tiếc! Đó là bài học sâu sắc cho mỗi chúng ta ...

I. Hành chính

  • Họ và tên:  VŨ THỊ M.   46 tuổi. Địa chỉ: Đắc Lắk.

  • Vào viện lúc: 13h56p ngày 4/5/2019.

  • Chuyển khoa Bệnh nhiệt đới lúc 14h 50p ngày 4/5/2019.

II. Lí do vào viện:

  • Sợ gió, sợ nước ngày thứ 3 của bệnh.

III. Tiền sử

  • Chưa phát hiện bệnh lí mạn tính.

IV. Bệnh sử

  • Cách 2 tháng trước khi vào viện, Bệnh nhân (BN) bị chó cắn vào ngón 2 bàn tay trái. Sau đó, chó chạy mất. BN không xử trí gì sau khi bị chó cắn.

  • Ba ngày trước vào viện, BN sợ gió, sợ nước, hồi hộp, run tay chân, sợ ánh sáng, tăng tiết nhiều kèm theo sốt nóng, không co giật. Ở nhà chưa xử trí gì à vào bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng được chẩn đoán là Bệnh Dại/ Đái tháo đường type II.

  • BN được xử trí tích cực. Sau đó chuyển bệnh viện Bạch Mai điều trị tiếp.

  • BN Tử vong vào ngày thứ 5 của bệnh.

V. Tại khoa Bệnh nhiệt đới

       Khám:

  • BN tỉnh, tiếp xúc tốt, niêm mạc hồng.

  • Không co giật, tăng tiết nhiều.

  • Sợ ánh sáng, sợ gió, sợ nước, không co giật.

  • Vết thương ngón 2 bàn tay (T) khô liền tốt.

  • Mạch: 90 lần/phút. Huyết áp: 150/80 mmHg. Nhiệt độ: 36,9 0C. Tần số thở 21 lần/phút.

  • Tim, phổi: chưa thấy bất thường.

  • Không liệt thần kinh khu trú.

Xét nghiệm bất thường:

  • Sinh hóa máu: Glucose: 14,9 mmol/l.

  • Công thức máu: Bạch cầu: 20 G/L (TT đa số).

Xử trí:

  • Giải thích cho gia đình BN về tình trạng bệnh rất nặng và nguy cơ tử vong.

  • Điều trị tích cực: an thần, kháng sinh, bổ sung điện giải, …

  • Tư vấn nhân viên y tế, gia đình đi cùng về nguy cơ phơi nhiễm trong quá trình vận chuyển BN.

VI. Xử trí sau khi bị động vật cắn

- Cách xử trí vết thương:

  • Rửa ngay thật kỹ vết cắn bằng nước xà phòng đặc, sau đó rửa bằng nước muối, bôi chất sát trùng như cồn, cồn iốt để làm giảm lượng vi rút tại vết cắn.

  • Chỉ khâu vết thương trong trường hợp vết cắn đã quá 5 ngày.

  • Tiêm vắc xin uốn ván và điều trị chống nhiễm khuẩn nếu cần.

- Theo dõi động vật trong 14 ngày.

- Vắc xin phòng Dại: Phác đồ tiêm bắp: 0,5ml x 5 liều cho một đợt điều trị dự phòng vào ngày 0, 3, 7, 14, 28.

ThS. BS. Hoàng Thị T,

Bộ môn Truyền Nhiễm

Trường đại học y dược Hải Phòng.